Tôi có quầy thuốc tây ở Hà Tĩnh, đợt này họ bắt các quầy phải có máy tính kết nối mạng để khai báo bán thuốc hàng ngày, phải mua phần mềm 2.000.000đ, mỗi tháng đóng 120.000/tháng tiền sử dụng. Tôi thấy như vậy là chi phí quá lớn bởi cả nước rất nhiều quầy thuốc tây và phòng khám, chúng tôi bán thuốc ở quê mỗi ngày lãi chỉ được một vài trăm ngàn, lại không hiểu biết về công nghệ.
Nội dung chính
- Quầy thuốc tây phải đáp ứng điều kiện về ánh sáng như thế nào?
- Quầy thuốc tây có diện tích tối thiểu là bao nhiêu?
- Quầy thuốc tây có bắt buộc phải mua phần mềm và máy tính kết nối mạng để khai báo bán thuốc hàng ngày không?
Quầy thuốc tây phải đáp ứng điều kiện về ánh sáng như thế nào?
Mục II.1 Phụ lục I – 1b ban hành kèm theo Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định như sau:
– Địa điểm cố định, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm;
– Được tách biệt với các hoạt động khác;
– Xây dựng chắc chắn, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải dễ làm vệ sinh, đủ ánh sáng nhưng không để thuốc bị tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời.
Theo đó, quầy thuốc tây phải được thiết kế đủ ánh sáng nhưng không để thuốc bị tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời.
Quầy thuốc tây có diện tích tối thiểu là bao nhiêu?
Theo Mục II.2 Phụ lục I – 1b ban hành kèm theo Thông tư 02/2018/TT-BYT như sau:
a) Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh nhưng tối thiểu là 10m2, phải có khu vực để trưng bày, bảo quản thuốc và khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng thuốc với người bán lẻ;
b) Phải bố trí thêm khu vực cho những hoạt động khác như:
– Khu vực ra lẻ các thuốc không còn bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc để bán lẻ trực tiếp cho người bệnh;
– Kho bảo quản thuốc riêng (nếu cần);
– Phòng hoặc khu vực tư vấn riêng cho người mua thuốc/bệnh nhân.
c) Trường hợp kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế thì phải có khu vực riêng, không bày bán cùng với thuốc và không gây ảnh hưởng đến thuốc; phải có biển hiệu khu vực ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc”
d) Trường hợp quầy thuốc có bố trí phòng ra lẻ thuốc không còn bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc:
– Phòng phải có trần chống bụi, nền và tường nhà bằng vật liệu dễ vệ sinh lau rửa, khi cần thiết có thể thực hiện công việc tẩy trùng;
– Có chỗ rửa tay, rửa và bảo quản bao bì đựng;
Theo đó, quầy thuốc tây có diện tích tối thiểu là 10m2.
Quầy thuốc tây có bắt buộc phải mua phần mềm và máy tính kết nối mạng để khai báo bán thuốc hàng ngày không?
Tại Mục II.4 Phụ lục I – 1b ban hành kèm theo Thông tư 02/2018/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Thông tư 12/2020/TT-BYT quy định như sau:
a) Có tài liệu hoặc có phương tiện tra cứu các tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc cập nhật, các quy chế dược hiện hành, các thông báo có liên quan của cơ quan quản lý dược để người bán lẻ có thể tra cứu và sử dụng khi cần.
b) Phải có sổ sách hoặc máy tính để quản lý việc nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và các thông tin khác có liên quan, bao gồm:
– Thông tin thuốc: Tên thuốc, số Giấy phép lưu hành/Số Giấy phép nhập khẩu, số lô, hạn dùng, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, điều kiện bảo quản.
– Nguồn gốc thuốc: Cơ sở cung cấp, ngày tháng mua, số lượng
– Cơ sở vận chuyển, điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển
– Số lượng nhập, bán, còn tồn của từng loại thuốc;
– Người mua/bệnh nhân, ngày tháng, số lượng (đối với Đối với thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần)
– Đối với thuốc kê đơn phải có tên người kê đơn
c) Đến 01/01/2020, quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
d) Hồ sơ hoặc sổ sách phải được lưu trữ ít nhất 1 năm kể từ khi hết hạn dùng của thuốc. Hồ sơ hoặc sổ sách lưu trữ các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân có đơn thuốc hoặc các trường hợp đặc biệt (bệnh nhân mạn tính, bệnh nhân cần theo dõi….) đặt tại nơi bảo đảm để có thể tra cứu kịp thời khi cần;
đ) Trường hợp cơ sở có kinh doanh thuốc phải quản lý đặc biệt, phải thực hiện các quy định tại Điều 43 Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 và các văn bản khác có liên quan.
e) Xây dựng và thực hiện theo các quy trình thao tác chuẩn dưới dạng văn bản cho tất cả các hoạt động chuyên môn để mọi nhân viên áp dụng, tối thiểu phải có các quy trình sau:
– Quy trình mua thuốc và kiểm soát chất lượng;
– Quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc theo đơn;
– Quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn;
– Quy trình bảo quản và theo dõi chất lượng;
– Quy trình giải quyết đối với thuốc bị khiếu nại hoặc thu hồi;
– Các quy trình khác có liên quan.
Theo đó, đến 01/01/2020, quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.